Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội Hoàng Thế Liên: “Kỹ sư” góp công xây “con đường vô hình” quan trọng
Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội Hoàng Thế Liên: “Kỹ sư” góp công xây “con đường vô hình” quan trọng
Nguồn: Báo PLVN
GS.TS Hoàng Thế Liên trong một cuộc họp do Quốc hội tổ chức.
Cho đến khi nghỉ hưu năm 2014, GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Thường trực, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, nguyên Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội đã trực tiếp chỉ đạo và tham gia xây dựng hơn 260 văn bản quy phạm pháp luật.
Trong đó, có những bộ luật lớn như Bộ luật Dân sự 1995, 2005 và 2015, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và hơn 50 Nghị định hướng dẫn thi hành… đặc biệt là Hiến pháp 2013.
Đầu tư cho xây dựng pháp luật là đầu tư phát triển
GS.TS Hoàng Thế Liên cũng là người từng có nhiều buổi làm việc với bộ, ngành; chủ trì nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo… Ấn tượng nhất là trong các cuộc thảo luận, tranh luận sôi nổi, thậm chí gay gắt về những ý kiến, quan điểm khác nhau về một dự thảo văn kiện hay văn bản pháp luật nào đó, ông vẫn thường nhắc nhở đồng nghiệp: Xây dựng pháp luật là quá trình bền bỉ thuyết phục lẫn nhau vì lợi ích chung, thống nhất được với nhau tức là chúng ta bị thuyết phục bởi lý lẽ, luận chứng, chứ không phải bị khuất phục bởi việc nói to hay bất kỳ áp lực nào.
Xây dựng pháp luật theo sự cắt nghĩa dễ hình dung, dễ hiểu của ông là đang góp phần xây dựng “con đường vô hình” quan trọng vào bậc nhất cho sự phát triển của đất nước; con đường đó càng rộng rãi, thoáng đãng, thuận lợi cho dân, càng tạo nên nhiều động lực cho sự phát triển.
Ông cũng không quên lưu ý đồng nghiệp, rằng với công quyền pháp luật phải chặt chẽ, không để kẽ hở cho sự lạm quyền, tha hóa quyền lực. Quyền lực công phải được sử dụng để giải quyết việc công, vì lợi ích công, có vậy dân chủ mới được bảo đảm phát triển. Đã nhiều lần ông khẳng định quan điểm đầu tư cho xây dựng pháp luật là đầu tư phát triển, vì vậy cần phải ưu tiên đầu tư ngang tầm.
Con đường vào ngành luật của ông Liên cứ như do số phận an bài. Hồi học phổ thông, ông học giỏi các môn tự nhiên nên chọn thi Khối A vào Khoa Toán, Đại học (ĐH) Tổng hợp Hà Nội. Với điểm thi cao, ông được Bộ ĐH ngày đó cử đi học nước ngoài, nhưng do sức khỏe không đạt yêu cầu (chủ yếu là do thấp bé nhẹ cân) nên đành làm thủ tục học ĐH trong nước. Chưa kịp nhập lớp thì ông lại nhận được thông báo là nằm trong số những người được Bộ trưởng Bộ ĐH Tạ Quang Bửu chọn và cử đi học nước ngoài.
Ông được chuyển sang học tiếng Đức ở ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, năm 1972 lên đường sang Đức học luật tại Trường Tổng hợp Các Mác Leipzig. Năm 1980, ông trúng tuyển nghiên cứu sinh, học tiếng Anh một năm tại ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, rồi một lần nữa sang Đức làm nghiên cứu sinh tại Khoa Luật, Trường ĐH Humboldt, Berlin.
Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1985, ông về nước và tiếp tục công tác tại Viện Nhà nước & Pháp luật thuộc Ủy ban Khoa học & Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), một thời gian sau được bổ nhiệm làm Phó, Trưởng phòng, Thư ký Hội đồng Khoa học, rồi Phó Viện trưởng lúc còn khá trẻ.
Tháng 8/1993, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc viết thư mời ông về nhận công tác tại Bộ. Trong thời gian giữ chức Viện phó Viện Khoa học pháp lý (KHPL), ông góp phần khẳng định vị thế của KHPL trong công tác của Bộ, ngành Tư pháp, giúp Viện KHPL trở thành địa chỉ đáng tin cậy của lãnh đạo Bộ, các đơn vị trong Bộ và Tư pháp địa phương.
GS.TS Hoàng Thế Liên trải lòng cùng phóng viên báo Pháp luật Việt Nam về công tác xây dựng pháp luật mà theo sự cắt nghĩa của ông là xây dựng “con đường vô hình” quan trọng vào bậc nhất cho sự phát triển của đất nước. |
Ông nhớ lại: “Sau 4 năm làm Viện phó, năm 1997 tôi được bổ nhiệm giữ chức Viện trưởng, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Bộ. Thật may mắn là tôi có một cộng sự không thể tốt hơn là TS Dương Thị Thanh Mai và một tập thể cán bộ khoa học trẻ thông minh, đam mê, nhiệt huyết. Chị Mai và tôi được mệnh danh là “đôi song mã” đã gắng sức không biết mệt mỏi đưa Viện từng bước đi lên trên nền các giá trị do các thế hệ trước trao truyền trong sự hợp tác, cổ vũ, động viên của tập thể Viện; góp phần nâng Viện lên để có được thương hiệu mà nhiều người trìu mến đặt cho là “linh hồn khoa học” của Bộ, ngành Tư pháp. Đây cũng là nơi khởi xướng nhiều tư tưởng đổi mới, cải cách về lập pháp, tư pháp, trong đó có nhiều tư tưởng đã được ghi nhận trong các Nghị quyết của Đảng và thể chế hóa thành quy định pháp luật”.
Sống để cho đi lòng tốt, tri thức, kinh nghiệm
Năm 1995, để tiến tới kỷ niệm 50 năm ngành Tư pháp Việt Nam, Viện KHPL được Bộ trưởng giao chắp bút Báo cáo tổng kết chặng đường 50 năm đầy biến động của ngành (1945 – 1995), đặt Viện vào một thử thách mà hồi bấy giờ ông cảm nhận là “lớn hơn một cơn bão”.
“Thế rồi, sự nhọc nhằn của tôi, chị Mai và anh em trong Viện đã mang lại kết quả bất ngờ, đã hoàn thành Báo cáo công phu, với nhiều đánh giá, bài học rút ra được lập luận, minh chứng thuyết phục bởi các số liệu dày công tìm kiếm, được Bộ trưởng đánh giá cao và cách làm được kế thừa, phát triển trong các Báo cáo tổng kết 60 năm, 70 năm ngành Tư pháp sau này. Đáng quý là, từ những tư liệu thu thập được về ngành Tư pháp phục vụ cho việc viết báo cáo tổng kết, Viện đã báo cáo Bộ trưởng lập Tờ trình trình Chính phủ cho phép lấy ngày 28/8 làm Ngày truyền thống của ngành Tư pháp Việt Nam. Đồng thời, những tư liệu quý đó được biên soạn thành Biên niên sử ngành Tư pháp 43 tập. Đến năm 2010 chị Mai chỉ đạo cho xuất bản thành sách làm nên bộ tư liệu quý lưu truyền cho các thế hệ sau”.
Đến năm 2003, ông rời Viện KHPL để nhận nhiệm vụ mới Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Trong suốt thời gian trên cương vị Thứ trưởng, rồi Thứ trưởng Thường trực, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp (2003-2014), ông hoạt động rộng, có tầm ảnh hưởng lớn, đóng góp nhiều cho sự phát triển của Bộ, ngành Tư pháp.
Ở Bộ Tư pháp, ông là một vị lãnh đạo được phân công chỉ đạo lần lượt nhiều lĩnh vực công tác, nhiều đơn vị thuộc Bộ (chỉ có công tác thi hành án dân sự và Tổng cục Thi hành án dân sự là ông chưa được phân công chỉ đạo trực tiếp), có lẽ nhờ đó mà ông có kiến thức tổng hợp, giàu kinh nghiệm về công tác tư pháp. Ở lĩnh vực nào ông cũng sát sao, để lại những dấu ấn, được cán bộ dưới quyền tin yêu và tâm sự rằng họ học được nhiều điều bổ ích từ ông.
Ông cho hay còn may mắn được tham gia nhiều và có hệ thống vào việc dự thảo các nghị quyết, văn kiện của Đảng về lập pháp, tư pháp và cải cách hành chính. Việc ông được giao nhiệm vụ là thành viên lâu năm của Tổ thư ký thuộc các Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, cải cách hành chính… đã phần nào khẳng định đóng góp của ông cho ngành Tư pháp.
Về xây dựng pháp luật, không chỉ ngành Tư pháp mà nhiều bộ, ngành khác cũng đều ghi nhận và đánh giá cao tư duy sắc sảo, đổi mới và sự tận tụy của ông. Cho đến thời điểm nghỉ hưu (2014), ông đã trực tiếp chỉ đạo và tham gia xây dựng hơn 260 văn bản quy phạm pháp luật các loại. Trong đó, có những bộ luật lớn như các Bộ luật Dân sự 1995, 2005 và 2015, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và hơn 50 Nghị định hướng dẫn thi hành… đặc biệt là Hiến pháp 2013.
Với Hiến pháp 2013, ông được Chính phủ quyết định là thành viên Ban Chỉ đạo, kiêm Tổ trưởng Tổ biên tập về tổng kết và đề xuất sửa đổi Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001). Ông đã cùng đội ngũ cán bộ trong Bộ Tư pháp phối hợp với nhiều bộ, ngành viết Báo cáo tổng kết Hiến pháp 1992 và đề xuất các nội dung sửa đổi. Nhiều đánh giá trong Báo cáo tổng kết này được đưa vào báo cáo chung, nhiều đề xuất được tiếp thu vào Hiến pháp 2013. Ở tầm Quốc hội, ông là thành viên Tổ biên tập dự thảo Hiến pháp 2013.
Không chỉ là nhà quản lý tâm huyết, nhắc đến ông còn có thể nói đó là một nhà khoa học uy tín, một người thầy đầy trách nhiệm. Ông tâm niệm trên đời có những thứ cần cho đi càng nhiều càng tốt, đó là lòng tốt, tri thức, kinh nghiệm... Vì vậy, dù rất bận bịu, ông vẫn cố gắng dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở những cơ sở đào tạo luật. Nay dù đã nghỉ hưu, ông vẫn say sưa với công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy, hiện ông đang giữ vai trò thành viên Hội đồng khoa học và đào tạo của Trường Đại học Luật Hà Nội đồng thời đảm nhận chức Hiệu trưởng ĐH Ecopark Việt Nam.
Ông là một người lãnh đạo, một nhà khoa học, người thầy, người tiền bối đáng kính. Không chỉ cá nhân tôi mà nhiều người từng quen, từng làm việc với ông đều trân trọng những cống hiến của ông đối với ngành Tư pháp, với công tác xây dựng pháp luật. Tiến tới Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam 28/8/2021, xin có đôi lời viết về ông như một cách thể hiện sự trân quý, lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ cán bộ Tư pháp hôm nay đối với những đóng góp của những người đi trước như ông, GS.TS Hoàng Thế Liên.
Theo thông tin trong hồ sơ đăng ký để được công nhận học hàm Giáo sư năm 2017, ông Liên đã hướng dẫn hơn 80 nghiên cứu sinh và học viên cao học bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và thạc sĩ, đã chủ nhiệm hơn chục đề tài khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ. Đồng thời, viết và chủ biên trên dưới 30 cuốn sách các loại (trong đó Cuốn sách riêng “Pháp luật môi trường Việt Nam - Thực trạng và phương hướng hoàn thiện” được tặng giải Ba, Giải thưởng sách hay Việt Nam năm 2010; và Chủ biên cuốn sách “Bình luận Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013” cũng được trao giải Ba Sách hay toàn quốc năm 2019), công bố gần 100 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành.
Uyên San