“Nhà giáo ưu tú” của Đại học Luật Hà Nội có nhiều đóng góp cho công tác lập pháp
“Nhà giáo ưu tú” của Đại học Luật Hà Nội có nhiều đóng góp cho công tác lập pháp
Đăng vào 15/07/2021
Vừa qua, Chủ tịch nước đã ký Quyết định về việc phong tặng Danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” (được trao 3 năm 1 lần) cho 917 cá nhân đã có công trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của dân tộc. Trong đó, PGS.TS Phạm Thị Giang Thu, Trưởng Bộ môn Luật Tài chính – Ngân hàng, Đại học Luật Hà Nội vinh dự là một trong các cá nhân được trao tặng Danh hiệu này.
Ngày 15/7, tại Hội nghị giao ban công tác 6 tháng đầu năm 2021, Trường Đại học Luật Hà Nội đã trao tặng Quyết định danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2021 cho PGS.TS. Phạm Thị Giang Thu. Đây là danh hiệu rất vinh dự, cao quý đối với nghề nhà giáo, được Chủ tịch nước xem xét, trao tặng đối với các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt tâm huyết, tận tụy với nghề, là tấm gương sáng, là nhà giáo mẫu mực, tiêu biểu, xuất sắc có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội, được người học, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng.
Cô Giang Thu tại Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Nữ giảng viên tận tụy, tâm huyết với nghề
Cô Phạm Thị Giang Thu sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Như bao người ham học khác, cô Thu ước mơ sau này sẽ trở thành bác sỹ, được khoác trên mình chiếc áo Blouse trắng như những thiên thần để trị bệnh cứu người. Nhưng rồi “nghề chọn người”, cô Giang Thu đến với luật, sau này gắn với sự nghiệp giáo dục, lập pháp như một lẽ thường tình.
Nói về con đường theo sự nghiệp giáo dục của mình, cô Giang Thu dí dỏm: “Vào một ngày đẹp trời, cô thấy mình hợp với nghề giáo. Thế là cô bỏ công việc đang làm, quay trở lại Trường”. Với sự tận tụy, yêu nghề, cô Giang Thu luôn trau dồi kiến thức từ sách vở, thực tiễn, từ các thế hệ đi trước để tìm ra phương pháp truyền đạt giúp sinh viên hiểu sâu được “gốc rễ” của vấn đề.
Hiện tại, cô Giang Thu đang là Phó Giáo sư – Tiến sĩ, giảng viên cao cấp của Trường Đại học Luật Hà Nội. Để có được học hàm trên, bản thân cô Thu phải nỗ lực không ngừng nghỉ bởi từ trường về nhà, cô phải để công việc bên ngoài cánh cửa gia đình để làm tròn thiên chức của người vợ, người mẹ. Khi các công việc của gia đình xong xuôi, cô mới dành thời gian cho việc học tập, nghiên cứu khoa học của mình. Lúc đó, đồng hồ đã chỉ sang ngày mới. Vất vả, khó khăn là thế nhưng dù ở cương vị nào, cô Giang Thu cũng luôn làm tròn vai của mình.
Thế nên trong mắt đồng nghiệp, sinh viên, cô Giang Thu là người có phẩm chất đạo đức tốt, luôn tâm huyết, tận tụy với nghề. Cô Thu là tấm gương sáng, là nhà giáo mẫu mực, tiêu biểu, xuất sắc, có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội để mọi người noi theo.
Được biết, quá trình giảng dạy tại Trường, cô Thu còn luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp, cách thức giảng dạy và được đánh giá cao trong suốt quá trình giảng dạy. Ngoài việc khuyến khích, cho sinh viên học nhóm, làm việc nhóm để nâng cao hiệu quả học tập, cô Thu còn đổi mới, cho sinh viên tiếp cận với thực tế … Điều này bắt nguồn từ những ấp ủ, tìm tòi của cô Thu cách đây đã lâu lắm.
Theo chia sẻ của cô Giang Thu, khi là giảng viên trẻ, cô đã nghĩ tới việc làm thế nào để có được cách tiếp cận đối với sinh viên thông qua những tình huống thực tiễn. Cô đã viết những tâm tư trên đăng Tạp chí Luật học. Ngoài ra, cô còn là người đầu tiên đưa sinh viên đi thực tế ở khoa. Ngày đó, cô hay đưa sinh viên đến Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (ngay từ những năm 2007 đến nay), các công ty chứng khoán từ thời kỳ còn tổ chức đấu giá, hoạt động cổ phần hóa rất sôi động… Vì theo cô Thu, với mỗi chương trình khác nhau, sinh viên sẽ có cách tiếp cận khác nhau để ra kết quả tốt nhất.
Tâm huyết, tận tụy với nghề nên khi thấy mô hình, cách thức giảng dạy của nước ngoài hay, cô Thu chủ động học tập, cho áp dụng tại khoa, tại trường. Cô Thu cũng là người khởi nguồn cho các hoạt động khoa học chuyên môn định kỳ dưới dạng Seminar theo Tháng và theo chủ đề từ 2016 cho đến nay. Đây là cách thức hỗ trợ cho phong trào nghiên cứu khoa học, tạo môi trường cho các giảng viên trẻ, sinh viên nghiên cứu khoa học có cơ hội nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu. “Cách thức này cũng giúp cho cá nhân có cơ hội hoàn thiện công trình nghiên cứu và nâng cao khả năng lập luận trước khi đề xuất công bố tại các tạp chí hay công bố quốc tế”, cô Thu tâm sự.
“Nhà giáo ưu tú” có nhiều đóng góp cho công tác lập pháp
Với tư cách là Trưởng Bộ môn, cô Thu luôn tham gia tích cực vào việc xây dựng đội ngũ giảng viên giảng dạy các lĩnh vực về pháp luật tài chính ngân hàng. Theo chia sẻ của cô Thu, hầu hết các giảng viên thuộc bộ môn Luật Tài chính - Ngân hàng đều được cô hướng dẫn giúp đỡ với tư cách là người hướng dẫn tập sự.
Cô Phạm Thị Giang Thu.
Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của giảng viên, cô Thu còn cố gắng thực hiện nhiệm vụ của người dẫn dắt trong một số công việc liên quan tới đào tạo, nghiên cứu khoa học. Về đào tạo, cô Thu thuộc nhóm đầu tiên xây dựng đầy đủ hệ thống các môn học thuộc lĩnh vực luật tài chính – ngân hàng đào tạo theo tín chỉ tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Cô Thu còn tham gia xây dựng chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cho Trường và đóng góp đào tạo cho nhiều cơ sở đào tạo luật khác ngay từ giai đoạn ban đầu: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Vinh và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh.
Về nghiên cứu khoa học, cô Thu là chủ biên đồng thời là tác giả của nhiều sách chuyên khảo phục vụ cho đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và phục vụ cho các lĩnh vực lập pháp: Giáo trình Luật Thuế, Giáo trình Luật Chứng khoán, Giáo trình Luật Tài chính, Giáo trình Luật Đầu tư, Một số vấn đề về pháp luật thị trường chứng khoán ở Việt Nam… Các ấn phẩm trên được tái bản liên tục qua các năm và được sử dụng ở rất nhiều cơ sở đào tạo khác nhau.
Với những kiến thức của mình, cô Thu còn tích cực tham gia xây dựng hệ thống pháp luật tài chính ngân hàng, phục vụ cho công tác lập pháp. Theo chia sẻ của cô Thu, cô là thành viên Ban soạn thảo, Ban biên tập của nhiều dự án Luật: Luật Chứng khoán (1998, 2006, 2010 và 2019), các Luật Thuế, Bộ luật Dân sự 2005, các Nghị định do Bộ Tư Pháp hay Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. Bên cạnh đó, cô Thu cũng tham gia thẩm định nhiều dự án Luật khác nhau: Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Tổ chức tín dụng.
Nhờ những nỗ lực, đóng góp trên, cô Thu được ghi nhận, đánh giá là người có tâm huyết đối với hoạt động giáo dục đào tạo, có ảnh hưởng và có sức lan tỏa trong lĩnh vực pháp luật nói chung cũng như trong lĩnh vực pháp luật về tài chính ngân hàng nói riêng.
Hồng Mây - Báo PLVN